Chuột chơi game thường được quảng cáo là có mức DPI và polling rate của chuột cao. Nhưng những thông số kỹ thuật thực sự có ý nghĩa như thế nào? DPI và polling rate cao có thực sự hữu ích khi chọn mua chuột chơi game hay không?
Các thông số kỹ thuật này thường quan trọng đối với hầu hết game thủ. Đây là lý do tại sao bạn thường thấy chúng xuất hiện nổi bật trên quảng cáo và bao bì sản phẩm chuột chơi game. Trên thực tế, bạn không cần độ chính xác cao hoặc thời gian phản hồi nhanh khi lướt web hoặc làm việc với bảng tính. Và bạn thậm chí không cần bận tâm quá nhiều về điều đó, trừ khi đang chơi thể loại game mang tính cạnh tranh cao độ. Tuy nhiên, chuột có độ chính xác cao cũng quan trọng đối với họa sĩ và nhà thiết kế đồ họa. Vì vậy, bạn hãy cùng Graphicworld tìm hiểu ý nghĩa của những thông số này nhé!
Đôi điều về chuột quang
Chuột máy tính từng có thời được gắn viên bi cao su (dễ bám bụi). Và viên bi này sẽ lăn khi bạn di chuyển chuột trên bàn di chuột. Chuyển động của viên bi được con lăn cơ học ghi nhận, và biến đổi chuyển động của chuột thành thứ mà máy tính có thể hiểu được. Thời đó đã qua, và ngày nay chúng ta có chuột quang và chuột laser.
Chuột quang đời mới tích hợp đèn LED phát sáng – thường là màu đỏ – cùng camera siêu nhỏ. Khi bạn di chuyển chuột, ánh sáng chiếu lên bề mặt bên dưới chuột, và camera chụp hàng trăm bức ảnh mỗi giây. Chuột đối chiếu các bức ảnh, và xác định hướng đi của chuột. Sau đó, chuột gửi dữ liệu chuyển động đến máy tính. Và máy tính di chuyển con trỏ trên màn hình. Chuột laser có cơ chế hoạt động tương tự. Nhưng sử dụng ánh sáng hồng ngoại thay vì ánh sáng khả kiến.
DPI là gì?
DPI là viết tắt của dots per inch. Đây là chỉ số đo lường độ nhạy của chuột. DPI của chuột càng cao, con trỏ trên màn hình di chuyển càng xa khi bạn di chuyển chuột. Chuột có DPI càng cao càng nhạy với chuyển động dù là nhỏ nhất.
DPI cao không phải lúc nào cũng tốt. Bạn chắc hẳn không muốn nhích chuột một cái, con trỏ chuột đã chạy khắp màn hình. Ở chiều ngược lại, DPI cao giúp chuột phát hiện và phản ứng với chuyển động nhỏ hơn. Nhờ đó, bạn có thể trỏ chuột vào mọi thứ một cách chính xác hơn. Lấy ví dụ bạn đang chơi game bắn súng góc nhìn thứ nhất. DPI thấp hữu ích khi bạn muốn nhắm bắn chính xác mục tiêu nhỏ bằng súng bắn tỉa. DPI thấp cho phép bạn di chuyển chuột với khoảng cách lớn trên bàn di chuột trong khi tâm ngắm di chuyển chậm hơn nhiều trong game. Điều đó có nghĩa chuyển động nhỏ của bàn tay không biến thành cú bắn trượt.
DPI của chuột càng cao, con trỏ trên màn hình di chuyển càng xa khi bạn di chuyển chuột
Khi chơi game không có sự góp mặt của súng bắn tỉa, DPI thấp có thể không đủ nhạy. Bạn thấy mình liên tiếp nhấc chuột lên để quay lại. Đây là lý do tại sao nhiều chuột chơi game cao cấp có nút chuyển đổi nhanh DPI trong lúc đang chơi.
Chuột nhạy cũng có sức hấp dẫn đối với các nhà thiết kế. Nguyên nhân là vì họ cần những điều chỉnh nhỏ trong bản thiết kế.
DPI khác với cài đặt độ nhạy chuột thông thường. DPI ám chỉ phần cứng chuột, còn độ nhạy chỉ là cài đặt phần mềm. Giả sử bạn có chuột giá rẻ với DPI thấp và tăng độ nhạy. Nếu bạn ngắm bắn mục tiêu nhỏ, bạn sẽ thấy con trỏ nhảy lung tung trong lúc di chuyển chuột. Phần cứng chuột không nhạy. Vì vậy, nó không phát hiện các chuyển động nhỏ. Hệ điều hành bù đắp bằng cách di chuyển con trỏ đi xa hơn khi phát hiện chuyển động. Do đó, chuyển động sẽ không mượt mà.
Chuột với DPI cao cũng có thể đi kèm với cài đặt độ nhạy thấp. Nhờ đó, con trỏ sẽ không chạy khắp màn hình khi bạn di chuyển chuột. Tuy nhiên, chuyển động sẽ mượt mà.
Chuột với DPI cao tỏ ra hữu ích khi bạn sở hữu màn hình độ phân giải cao. Bạn không cần DPI cao nếu chơi game trên màn hình laptop độ phân giải thấp 1366 x 768px. Ngược lại, nếu chơi game trên màn hình 4K (3840 x 2160px), DPI cao cho phép bạn di chuyển con trỏ mượt mà trên màn hình mà không cần kéo chuột khắp bàn làm việc.
Polling rate của chuột là gì?
Polling rate của chuột là tần suất chuột gửi dữ liệu vị trí của nó tới máy tính. Nó được đo bằng đơn vị Hz (Hertz). Nếu chuột có polling rate 125 Hz, nó sẽ báo cáo vị trí với máy tính 125 lần mỗi giây, tương đương 8 mili giây mỗi lần. Tốc độ 500 Hz có nghĩa chuột báo cáo vị trí với máy tính sau mỗi 2 mili giây.
Polling rate của chuột cao giúp giảm độ trễ từ lúc bạn di chuyển chuột đến khi chuyển động hiển thị trên màn hình. Polling rate của chuột cao cũng đồng nghĩa với “ngốn” nhiều tài nguyên CPU. Nguyên nhân là vì CPU phải truy vấn vị trí của chuột thường xuyên hơn.
Chuột hỗ trợ polling rate cao thường cho phép bạn chọn polling rate thông qua bảng điều khiển. Một số chuột còn có phần cứng điều chỉnh tại chỗ DPI.
DPI và polling rate của chuột cao có tốt hay không?
DPI và polling rate của chuột là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Ai cũng có cái lý của riêng mình. Một số nhà sản xuất chuột chơi game nói rằng DPI là thông số không đáng nói đến. DPI cực cao sẽ khiến con trỏ chạy khắp màn hình khi bạn nhích chuột. Vì vậy, DPI cao không phải lúc nào cũng tốt. DPI lý tưởng phụ thuộc vào tựa game bạn đang chơi, độ phân giải màn hình, và cách bạn sử dụng chuột.
Polling rate của chuột càng cao càng tốt. Nhưng khó tạo ra sự khác biệt giữa 500 Hz và 1000 Hz. Polling rate cao đồng nghĩa với chiếm dụng nhiều tài nguyên CPU. Do đó, thiết lập polling rate quá cao sẽ lãng phí vô ích tài nguyên CPU. Điều này không phải là vấn đề với phần cứng hiện đại. Nhưng nhà sản xuất không có lý do gì để tung ra chuột với polling rate trên 1000 Hz.
DPI và polling rate của chuột cao tuy hữu ích, nhưng chúng không phải là tất cả. Rất có thể bạn sẽ giảm DPI xuống thấp hơn mức tối đa sau khi mua chuột chơi game đắt tiền. Bạn chắc chắn không cần đến chuột với DPI và polling rate cao nhất. Những thông số này không phải là chỉ số đo lường hiệu suất đơn giản như tốc độ CPU. Chúng phức tạp hơn thế. Và có nhiều yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến lựa chọn chuột chơi game như kích thước, trọng lượng, kiểu cầm, và vị trí nút.
Nguồn: howtogeek
Tham khảo một số mẫu chuột chơi game ONIKUMA